Chương trình tour du lịch Nam Định 1 ngày (city tour) sẽ đưa Quý khách thăm quan nhiều di tích, danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Định như làng cây cảnh Vị Khê, chùa Cổ Lễ, cột cờ Nam Định, Đền Trần, chùa tháp Phổ Minh.
Giới thiệu về Làng cây cảnh Vị Khê:
Có thể nói, Vị Khê là làng quất nguyên thủy của Việt Nam và quất Vị Khê nổi tiếng khắp nước. Vị Khê còn là quê hương của nhiều giống hoa như bạch đào, phong lan, địa lan, bạch trà, hồng trà, đỗ quyên, hải đường… cùng hàng trăm các giống hoa khác như thược dược, lay ơn, đồng tiền. Hoa ngâu dùng làm hương liệu ướp chè được trồng rất nhiều, nên ở đây không chỉ có vườn ngâu mà còn hàng rào bằng ngâu, những bờ đậu ngâu, những vòm cổng bằng ngâu xanh biếc.
Đến làng cây cảnh Vị Khê, nhiều người thưởng lãm còn trầm trồ trước sự khéo léo của các nghệ nhân khi uốn tỉa ra những khuôn hình chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... một cách tài tình như chính thiên nhiên khởi tạo. Vị Khê còn có đa dạng các loài cây cảnh như: đa, sung, lộc vừng, sanh, si, cau Vua, vạn tuế, tùng La Hán... với nhiều thế cây phong phú như: long thăng, long giáng, hạc lập, trực siêu, thế huyền, thế song phục, huynh đệ, mẫu tử tương thân, phụ tử tương tùy...
Giới thiệu về chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Nam Định nói riêng và của nền văn hóa châu thổ sông Hồng nói chung. Đây là một ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa “Thần Quang”tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình tôn tạo trùng tu, chùa có dáng vẻ, sắc thái riêng; trong đó đặc biệt nổi bật là phong cảnh kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”
Cột cờ Nam Định
Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền – TP Nam Định. Thời xưa, Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn,là Cột cờ Kinh thành Huế (1807), Cột cờ Hà Nội (1812) và Cột cờ Thành Bắc Ninh (1838). Căn cứ theo một số tư liệu, Cột cờ Thành Nam xây cùng thời với Cột cờ Hà Nội. Công trình này được bổ sung thêm nhiều ở phía trên đỉnh nên đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.
Chùa Tháp Phổ Minh
hùa Phổ Minh nằm giữa một vùng đồng lúa chiêm trũng 700 năm qua vẫn hiên ngang, sừng sững. Đây là một trong những dấu tích còn lại của một thời Hào khí Đông A – nhà Trần. Tháp Phổ Minh là công trình kiến trúc lâu đời còn giữ được tương đối toàn vẹn. Theo tính toán của các nhà khoa học, tháp nặng tới 700 tấn. Vậy mà hơn 7 thế kỷ qua vẫn đứng vững vàng giữa một nền đất không vững chắc. Thế cũng đủ thấy sự tài hoa khéo léo của cha ông ngày trước.
Đền Trần
Theo sử sách ghi lại, Đền Trần Nam Định là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng (Nam Định). Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ thứ 15. Đền Trần Nam Định gồm 3 công trình kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau.